Thứ Bảy, 25/03/2023 04:51 SA

CÔNG TÁC DÂN SỐ NĂM 2021: Một số nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai

Vị thành niên/ thanh niên - Đối tượng đích quan trọng  trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ

Vị thành niên/ thanh niên - Đối tượng đích quan trọng trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ

 

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Từ năm 2021 trở đi, tất cả các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, giải pháp, nguồn lực của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trong giai đoạn trước đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của tỉnh. Nhằm duy trì các kết quả đã đạt được trong thời gian qua trong công tác Y tế - Dân số với nguồn lực đảm bảo từ ngân sách địa phương với các nội dung chi theo đúng với định hướng của Trung ương để tỉnh triển khai các hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31/7/2017, ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện các hoạt động của Chương tình và đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu được giao đạt mục tiêu đề ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh, hướng tới đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, công tác dân số của Phú Yênđã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Nhận thức về chính sách dân số có những chuyển biến rõ nét; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận; tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được giảm thiểu; các mô hình, đề án về can thiệp cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên công tác dân số của tỉnh Phú Yên trong tình hình mới vẫn còn nhiều thách thức: quy mô dân số chưa thực sự ổn định; chất lượng dân số chưa cao, là một tỉnh còn nhiều khó khăn so với cả nước, thu nhập người dân chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 14,4%, thể thấp còi là 26,9%; Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao:111 bé trai/100 bé gái theo tổng điều tra dân sốnăm 2019 (tỷ số này của cả nước là 111,5); tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra nhiều ở các địa phương đặc biệt tại 3 huyện miền núi là địa bàn có kinh tế khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống; chính sách an sinh xã hội cho người già chưa đáp ứng, tỷ lệ người già đang ngày càng tăng nhanh (trên 11% dân số), tình trạng sức khỏe của người cao tuổi là yếu và rất yếu, mắc cùng một lúc nhiều bệnh, trong đó có các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm... phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về nghiệp vụ, kỹ năng.

Để giải quyết những thách thức nêu trên, giữ vững mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, để cụ thể hóa, thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Trung ương và địa phương thì việc đề ra các các nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021 - 2030 là các nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống làm công tác dân số các cấp.

 

Tăng cường cung cấp thông tin về CSSKSS cho nữ công nhân lao động là một trong những giải pháp của
công tác dân số trong tình hình mới

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, mục tiêu chung của công tác dân số là: Chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đồng thời thích ứng được với xu hướng già hóa dân số trong những năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu cơ bản

- Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,2%o.

- Mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên: 0,2%.

- Tỷ số giới tính khi sinh ở mức ≤110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống.

Các chỉ tiêu chuyên môn

- Tổng số người sử dụng mới các biện pháp tránh thai: 53.000 người.

- Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 50% bà mẹ mang thai (Tiếp tục triển khai sàng lọc 03 bệnh: Down, Edwards, Patau và mở rộng sàng lọc thêm 01 bệnh Tan máu bẩm sinh Thalassemia).

- Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 70% trẻ sinh ra (Tiếp tục triển khai sàng lọc 02 bệnh: Suy giáp trạng bẩm sinh, Thiếu men G6PD và mở rộng sàng lọc thêm 03 bệnh: Tăng sản thượng thận bẩm sinh, Tim bẩm sinh và khiếm thính bẩm sinh).

- Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm trung bình cao hơn năm trước: 10%.

Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn

Năm 2021, công tác dân số cần nỗ lực tập trung vào mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thay thế; hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh nhà.

Về công tác truyền thông, cần tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số ở các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội; sản xuất, nhân bản và cung cấp sản phẩm truyền thông đến với người dân. Triển khai Kế hoạch hành động số 119/KH-UBND, ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh về truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030.

Ở các địa phương có mức sinh cao, cần tập trung đầu tư hoàn thành chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai, ưu tiên đảm bảo thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và các chi phí dịch vụ kèm theo; tận dụng lợi thế của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, xây dựng kế hoạch, đầu tư có trọng điểm tổ chức Chiến dịch tại những nơi khó tiếp cận dịch vụ, khó hoàn thành chỉ tiêu.

Ở các địa phương có mức sinh thấp và có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế cần đáp ứng dịch vụ tránh thai miễn phí cho đối tượng chính sách của chương trình. Mở rộng triển khai tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai/dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng có khả năng chi trả; đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ và mở rộng nội dung các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

Triển khai các hoạt động tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

Về việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, triển khai thực hiện giai đoạn II (2021-2025) thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố. Tập trung đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh dưới 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

Triển khai Kế hoạch số 25/KH-UBND, ngày 5/2/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030.

Duy trì Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa bàn đã triển khai trong các năm trước; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tiếp tục thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên toàn tỉnh…

Việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ là việc của ngành Y tế, Dân số mà của toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đặc biệt là các Kế hoạch thực hiện các Đề án do UBND tỉnh phê duyệt: Kế hoạch số 60- KH/TU ngày 11/4/2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 18/5/2018 của UBND tỉnh về thực hiện công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch hành động số 83/KH-UBND ngày 22/4/2020 của UBND tỉnh Phú Yên V/v triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030./.

BSCKI Vũ Ngọc Dững – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Văn bản & Tài nguyên