“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đó là công việc thường xuyên
của những người làm cộng tác viên dân số nhiệt tình trên địa bàn huyện Sông
Hinh. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ để tuyên truyền đến từng người dân
về chính sách dân số, các biện pháp KHHGĐ, tư vấn chăm sóc SKSS.
![]() |
10 năm quen với việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, chị Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) thấu hiểu được nỗi khổ của công việc mình làm.
Để giúp chị em thực hiện KHHGĐ, chị Gái bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận
động, thuyết phục chị em với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra, chị còn
thường xuyên tâm sự, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về kinh tế, đời
sống vợ chồng cho chị em. Chị Gái chia sẻ: “Ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,
nhiều gia đình muốn sinh thêm con để có người làm việc và nhờ cậy lúc tuổi già.
Việc tuyên truyền vận động cũng khó khăn vì không phải lúc nào đến nhà cũng gặp
được họ. Tôi phải tranh thủ buổi trưa, tối đến các gia đình để vừa trò chuyện
kết hợp hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, cách phòng
tránh bệnh lây qua đường sinh sản, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh
đẻ chỉ nên sinh hai con, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không
lựa chọn giới tính; đẻ ít con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”. Đến
nay, chị Gái đã vận động được nhiều cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, nhiều năm
liền trong thôn không có trường hợp sinh con thứ 3.
Buôn Hai Riêng thuộc thị trấn Hai Riêng có 55 hộ với gần 250 nhân khẩu, giao
thông đi lại khó khăn. Trước đây, người dân trong buôn vẫn giữ nếp nghĩ sinh
nhiều con để phụ việc đồng áng, nương rẫy. Chị H’ Nhao, cộng tác viên dân số
của buôn, cho biết: “Đối với khu vực nông thôn miền núi, khi đi làm rẫy, tôi
cũng tranh thủ vận động chị em. Người cộng tác viên dân số phải nhiệt tâm, nếu
không kiên trì thì khó mà làm tốt được”. Bản thân chị H’ Nhao cũng gương mẫu
sinh hai con. Nhờ nỗ lực của chị trong công tác tham mưu, phối hợp đoàn thể các
cấp, từ năm 2010 đến nay, buôn Hai Riêng không có trường hợp sinh con thứ 3.
Phần lớn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng biện pháp tránh
thai, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.
Những bước chân thầm lặng của hơn 85 cộng tác viên dân số trong huyện vẫn
hàng ngày, hàng giờ in dấu trên các ngõ ngách của buôn làng. Bà Nguyễn Thị Minh
Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, cho hay: “Cộng tác viên dân
số cơ sở chính là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vào mỗi đợt
chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đội ngũ
cộng tác viên này sâu sát địa bàn, không quản nắng mưa đến từng nhà để tuyên
truyền, vận động các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ đến cơ sở y tế thăm khám.
Bằng sự nhiệt tình, kiên trì bám địa bàn của cộng tác viên dân số, nhiều cặp vợ
chồng đã tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai. Quy mô gia đình ít con
ngày càng được người dân chấp nhận. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ
tuổi sinh đẻ đã đạt mức sinh thay thế, góp phần giảm sức ép về gia tăng dân số,
bảo đảm an sinh xã hội”.
Theo bà Trang, năm 2016, 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở huyện Sông
Hinh sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; 18 ca đình sản, đạt trên 100%
kế hoạch; tỉ lệ sinh con thứ ba giảm còn 0,6%, chỉ còn 2 trường hợp tảo hôn và
hôn nhân cận huyết… Trong năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện được Sở Y tế khen
thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân số. Có được kết quả trên là
nhờ sự đóng góp của đội ngũ cộng tác viên. Họ là “cánh tay nối dài” góp phần
nâng cao chất lượng dân số, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc trên
địa bàn huyện.